Quân đồn trú khai phá đất hoang Tả_Tông_Đường

Ngoài việc thiết lập đường tiếp liệu từ các khu vực duyên hải, Tả Tông Đường còn theo đuổi một chiến lược cổ điển để giải quyết các vấn đề lương thực. Ông ra lệnh cho quân sĩ khai phá các đất hoang trong khu vực doanh trại để sản xuất thóc gạo cho riêng họ. Chiến lược này vốn dĩ dùng từ thời nhà Hán trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai cho đến cuối thế kỷ 18 khi nhà Thanh đóng quân ở Tân Cương. Khai phá đất hoang tại các vùng biên giới chủ yếu là một chiến lược giải quyết các vấn đề tiếp liệu nhưng cũng có những ảnh hưởng xã hội-kinh tế đáng kể. Thay vì đóng quân để khai hoang, có khi triều dình cho hạt giống, nông cụ, gia súc và chia đất cho nông dân rồi để họ cày cấy. Sau mùa gặt, nhà nước mua hoa màu thặng dư để nuôi quân. Chính sách đó gọi là Dân Đồn nghĩa là để cho dân làm ruộng. Việc đó giúp cho chính quyền sở tại vỗ về được lòng dân và tái lập trật tự. Ngoài ra, Tả Tông Đường cũng ra lệnh cho quân sĩ của ông tu sửa các hệ thống thủy lợi, dắp đường và trồng cây. Trong suốt chiến dịch này, quân của ông đã khai phá được hơn 19.000 mẫu, trồng 568.000 cây, làm được 96 cái cầu, đắp 800 dặm đường và sửa 13 hệ thống dẫn nước và sông rạch.